Sinh khí trong nhà gắn máy lạnh
Làm nhà dù có thông thoáng tự nhiên tốt đến đâu không có nghĩa là né tránh hoàn toàn hệ thống điều hoà không khí. Sử dụng máy lạnh đúng chỗ, tiết kiệm điện và có điều chỉnh hợp lý vẫn hơn là… phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.
Làm được ngôi nhà thoáng mát, tràn đầy sinh khí là điều ai cũng mong muốn từ xưa đến nay. Tuy nhiên, không phải ở đâu và điều kiện nào cũng có thể làm được, nhất là trong tình hình đô thị đất đai khan hiếm và môi trường thiếu không khí trong lành, thừa bụi bặm ồn ào. Nhiều gia chủ than rằng thôi đành phải… gắn máy lạnh chứ thực sự họ không thích, và đa số đều lo âu rằng khi đó nhà mình sẽ không có sinh khí nữa, ít nhiều sẽ ảnh hưởng về sức khoẻ và tâm lý.
Trước hết cần hiểu rằng làm nhà dù có thông thoáng tự nhiên tốt đến đâu không có nghĩa là né tránh hoàn toàn hệ thống điều hoà không khí. Sử dụng máy lạnh đúng chỗ, tiết kiệm điện năng và có điều chỉnh hợp lý vẫn hơn là… phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, nhất là khi môi trường thiên nhiên đang bị xâm hại nhiều như hiện nay. Hơn nữa, khi bên ngoài trời nhiệt độ lên trên 30oC thì dù có mở cửa thoáng đến đâu cũng chỉ… đưa thêm khí nóng vào nhà nhiều hơn mà thôi. Các khu resort cao cấp ở nơi thoáng mát làm nhà kiểu không gian truyền thống vẫn phải gắn máy lạnh, nhưng quan trọng là gắn thế nào, hiệu năng sử dụng ra sao. Do đó, khi nói “nhà nóng bức, ngột ngạt” thì cần có cái nhìn đa chiều về bố trí trong nhà chứ không chỉ đổ lỗi do gắn máy lạnh.
Cần lưu ý cụ thể một số vấn đề như sau:
- Trong điều kiện đô thị, gió vào nhà sau khi đã đi qua các bề mặt tích nhiệt như đường sá, tường nhà khác,… nên luôn chứa đựng hơi nóng hơn là gió trong điều kiện nông thôn vốn chủ yếu là thổi qua cây xanh ruộng đồng. Ta thấy ngôi nhà theo kiểu truyền thống hay đặt hồ nước trước nhà, và nhà nào xoay về phía nam, gần sông hồ thì luôn được mát mẻ hơn nhờ có gió kết hợp với hơi nước bốc lên.
- Gió vào thì phải có gió ra, và cần các điểm phân tán gió để tránh các khối khí lưu thông thẳng hàng nhau gây ra hiện tượng gió lùa nếu không đảm bảo thông gió liên tục ở cả hai phía đón gió và thoát gió. Do vậy, trổ giếng trời là cách hữu hiệu để khí nóng tích tụ trong nhà có chỗ bốc lên và thoát ra ngoài. Nếu nhà bít kín mặt đối ngoại để tránh ồn và bụi mà có mở giếng trời phía sau hoặc ở giữa thì không sợ bức bí nữa.
- Nếu bố trí nhiều vật dụng, thiết bị toả nhiệt (như tivi, tủ lạnh, lò vi sóng…) thì cũng làm cho không khí trong nhà nóng lên. Rèm vải dày, bàn ghế nệm, đồ đạc nhiều chi tiết ngóc ngách là nơi tích trữ bụi, mỗi khi dọn dẹp nhà cửa, bụi sẽ được… tung lên mù mịt rồi tiếp tục lưu lại trên các bề mặt, trở thành nguy cơ mầm bệnh khó lường.
- Cần lưu ý chống nóng và thông gió luôn là hai việc song hành nhau nếu như muốn nội khí nhà ôn hoà. Việc cách nhiệt không tốt (như tường ngoài xây mỏng, mái không có khe thông gió, cửa kính mở rộng về hướng nắng gắt…) cũng sẽ khiến ngôi nhà dù có gắn máy lạnh mà vẫn bị nóng hầm hập. Sử dụng nhiều vật liệu “ấm áp” như thảm hay gỗ cũng khiến ngôi nhà ở vùng nhiệt đới luôn bị nóng hơn so với các ngôi nhà ở vùng ôn đới hay hàn đới.
- Cho dù đường sá chung quanh có ồn ào bụi bặm, thì vẫn còn những thời điểm được thoáng đãng (như sáng sớm, đêm khuya) có thể mở cửa để giúp đối lưu không khí trong – ngoài nhà tốt hơn, chứ không phải gắn máy lạnh là đóng kín cửa 24/24. Những loại máy lạnh mới hiện nay có hệ thống lọc không khí, kháng khuẩn sẽ khá hữu dụng nếu bố trí hợp lý, khi kết hợp với cây xanh ngăn bụi, quạt hút, giếng trời… sẽ cải thiện nội khí trong nhà rất hiệu quả.
- Cần lưu ý điểm bố trí máy lạnh không quá khuất và chọn lựa công suất máy phù hợp với khối tích phòng. Nên có khoảng đệm bên ngoài phòng (nhất là với phòng sát mặt tiền) để tránh sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột, vì đây là vùng chuyển tiếp âm – dương nên cần làm cây xanh, lam che nắng, tường có khe thông gió… để giảm bớt bức xạ trực tiếp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng máy lạnh hơn.
Tag: sua may lanh, sua tu lanh, sua may nuoc nong